1. Ngọc là gì ?
Ngọc là gì ? hay với những người kinh doanh Đá Quý sẽ gặp những câu hỏi thô sơ hơn từ khách hàng, đại loại như : Ngọc có phải là Đá hay Đá có phải là Ngọc ? Đá này khác gì Ngọc ? Ngọc với Đá có giống nhau ? … Ngọc là gì ? Câu hỏi này thực sự khó, tôi cá rằng khi bạn đặt câu hỏi này cho một người có chuyên môn về địa chất, một người kinh doanh Đá Quý, một người chơi Đá thâm niên hay một người có am hiểu về Văn hóa xưa… đều sẽ không nhận được một câu trả lời một cách đầy đủ và tường minh nhất. Mà chỉ nhận được câu trả lời từ một phía, theo quan điểm cá nhân, hoặc theo chuyên môn mà họ đang làm… và đều có điểm chung chắc chắn rằng là không đúng hoặc không đầy đủ (cái này cũng theo quan điểm cá nhân một tay che trời của tôi thôi chứ chả ai dám nói vậy cả). Đến cả từ điển Wikipedia tiếng Việt, một kho bách khoa toàn thư của thế giới còn không có được thông tin cơ bản nhất thì điều đấy không có gì lấy làm lạ.
Ngọc là một thú chơi xuất phát từ người TQ, phải nói, người TQ là bậc Thầy của Thiên hạ về độ Chơi, tất cả những gì tinh túy trên Thế giới này người TQ đều đi trước một bước khi xã hội kịp nhận ra giá trị của nó. Một số bạn có tư tưởng bài Tàu cực đoan, đọc xong câu này đừng lấy làm khó chịu, mà phải biết rằng, Trung Hoa ngày này là một nước lớn trong một nền Văn hóa và Việt Nam cũng thuộc nền Văn hóa đó, bao gồm cả Chữ viết gọi là Nhóm các nước Văn hóa Đồng Văn Hán Học (ngày nay gồm : Trung Hoa, Đài Loan, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản). Tức là, khi nói đến TQ không phải là nói đến nước Trung Hoa ngày nay mà là nói đến Văn hóa của một nhóm nước bao gồm cả Việt Nam, mà TQ ngày nay là một nước lớn được tập hợp từ nhiều nước nhỏ (như Việt Nam) mà thôi.
Quay trở lại vấn đề về Ngọc. Ngọc đã được biết đến và khai thác từ cách đây khoảng 7000 năm trên thế giới. Tại TQ cách đây từ những gần 3000 năm, Khổng Phu Tử đã nói : “玉之美,有如君子之德” (Ngọc Chi Mỹ, Hữu Như Quân Tử Chi Đức) – Dịch nghĩa : “Vẻ đẹp của Ngọc cũng giống như phẩm chất (Đức) của một người Quân Tử“. Trong Đạo Nho, không có gì cao quý bằng cái Đức của Người Quân Tử, vậy mà Đức Khổng Tử đã đưa Ngọc ra để so sánh với nó thì mới thấy cái giá trị của Ngọc từ những hàng nghìn năm trước được xem trọng như thế nào ! Vậy Ngọc là gì mà ghê gớm đến vậy ? Ngọc (tiếng Hán : 玉) : là danh từ để chỉ “một-loại-Đá-Quý” (là một loại nhé các bạn – vì sao lại có cái mở ngoặc này, đọc tiếp phần dưới các bạn sẽ rõ) : đó chính là Jade (Ngọc = Jade = 玉). Theo tính từ thì Ngọc (玉) còn dùng để chỉ cái “Đẹp”, để chỉ sự “Tôn Quý”. Từ nghĩa gốc ở trên, mở rộng ra theo cách gọi của dân gian (cái này của TQ và Việt Nam thì tương tự với từ Hán Việt) : Ngọc Thạch (玉石) tức là ám chỉ các-loại-đá-quý nói chung (玉石 = Đá Quý). Và cứ mỗi loại Đá Quý thì sẽ có chữ Ngọc đi kèm, thường là có cấu trúc :
Tính từ [của loại Đá Quý đó] + Ngọc
nhằm để Ý CHỈ sự Đẹp và Quý – là để ý chỉ chứ không phải cứ có chữ Ngọc đi kèm là Ngọc nhé. Những người nào học Hán Nôm sẽ hiểu cách dùng từ ý chỉ như thế này của Hán Văn, dùng hình – thanh – ý chỉ, rất sâu xa và mang nhiều ý nghĩa. Còn tiếng Trung ngày này dùng Tân Văn, chữ Giản Thể, rất đơn giản và không sâu xa.
- Hồng Ngọc : loại đá quý màu Hồng.
- Lam Ngọc : loại đá quý màu Lam.
- Ngọc Lục Bảo : loại Đá RẤT QUÝ màu Xanh Lục.
- Chữ Bảo (寶) – để chỉ những vật Trân quý tức là rất quý giá : như Nguyên Bảo (元寶) là Bạc nén, Thông Bảo (通寶) là Tiền, Bảo Đao (寶刀), Bảo Kiếm (寶劍), các từ như Bảo Tháp trong Phật Giáo, Bảo Vị (chỉ ngôi Vua) hay Trấn Gia Chi Bảo… cũng đều từ đây mà ra.
- Chữ Bảo (寶) còn có một giản thể khác là : 宝 – bao gồm chữ (bộ) Ngọc (玉) nên bản thân chữ Bảo (宝) đã thể hiện sự Đẹp và Quý (宝贝– bảo bối : vật quý báu).
- … tương tự với các loại Đá Quý khác.
2. Vậy Ngọc Jade là gì ? Có bao nhiêu loại ?
Ngọc, Ngọc Jade hay Jade nói chung là danh từ dùng để chỉ đến 2 loại khoáng chất đó là Jadeite (Jadeite Jade) – tên thường gọi ở Việt Nam là Ngọc Cẩm Thạch hay Ngọc Jadeite và Nephrite (Nephrite Jade) – tên thường gọi ở Việt Nam là Ngọc Bích hay Ngọc Nephrite. Thực ra, trước đây, trên thế giới, danh từ Ngọc Bích được sử dụng tương tự như Jade (Ngọc Jade) dùng để chỉ chung 2 loại Ngọc này. Nhưng ở Việt Nam và một số nước Đông Á như TQ… thì Ngọc Bích thường dùng để chỉ Ngọc Nephrite Jade. Vì loại Ngọc này có màu Xanh đặc trưng hơn – chính là Xanh Ngọc Bích và chúng ta vẫn nói hằng ngày. Để thuận tiện cho tìm hiểu, chúng ta nên thống nhất cách gọi ngày nay của người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam. Tức là:
Trước đây, theo định nghĩa của ngành Khoáng vật – Đá quý trên thế giới thì chỉ có 2 loại khoáng vật này mới được gọi là Ngọc (Jade) và không có bất kỳ loại nào khác được gọi là Ngọc. Gần đây, thuật ngữ Ngọc (Jade) được mở rộng hơn một chút (chưa được công nhận chính thức), Jade có thể được bao gồm : maw-sit-sit (thị trường Việt Nam rất nhiều), albite-jade (không thấy ở thị trường VN) và omphacite-jade (không thấy ở thị trường VN). Nhưng tựu chung lại, để được gọi là Ngọc (Jade) thì thành phần cấu tạo của khoáng vật đó phải chứa ít nhất từ 20% cho đến 80% là Jadeite. Riêng với, omphacite-jade, theo Viện Ngọc Học Hoa Kỳ (Gemological Institute of America – GIA) và Gubelin Gem Lab, chỉ những vật liệu omphacite màu xanh lá cây mới được gọi là Ngọc. Ở Việt Nam, cách gọi Ngọc rất phù phiếm và hoàn toàn không chính xác, một số được CỐ Ý gọi là Ngọc (cũng như việc dùng từ Phỉ Thúy một cách vô tội vạ) nhằm nâng cao giá trị sản phẩm như : Ngọc Đế Quang, Ngọc Đông Linh… Về các loại khoáng vật được Ngọc này, tôi sẽ có phân tích ở phần sau.
3. Giá trị của Ngọc trong đời sống Văn hóa Á Đông
Không tiếp xúc với người Trung Quốc mà chỉ cần ngồi ở nhà nhìn qua phim cổ trang của Trung Quốc thôi chúng ta đã thấy các món đồ trang sức bằng Ngọc, các miếng Ngọc bội gia truyền từ đời này sang đời khác. Từ xa xưa, người dân TQ đã coi Ngọc là thứ đồ mang lại nhiều may mắn và phú quý và chắn hẳn không có loại Đá Quý nào bí ẩn và được đề cao như Ngọc. Đối với người Trung Quốc, Ngọc trong Phong Thuỷ có bề dày lịch sử hơn 5000 năm, nó xuất hiện từ rất sớm và đồng hành cùng lịch sử phát triển văn hóa của người TQ. Trong suốt 5000 năm văn hóa – lịch sử ấy, ngọc được coi là báu vật của hoàng gia và chỉ dành riêng cho các gia đình quý tộc cao quý nhất.
- Ngọc là một món đồ trang sức có nhiều giá trị cho phụ nữ xưa và nay. Là một tác phẩm nghệ thuật, nơi cái đẹp đạt tới cảnh giới cao nhất.
- Ngọc là nơi gửi gắm mọi tâm tư, tình cảm của mình vào đó. Đó là những kỷ vật trao tặng giữa đôi uyên ương đang yêu, là tín vật truyền đời của ông bà cha mẹ để lại cho con cháu, là những linh vật linh thiêng được khắc tạo thành, là những hình tượng trong các nghi lễ cung phụng thờ cúng,… tất cả đều nằm giữa cuộc sống thường ngày dung dị mà người ta ít khi để ý thấy.
- Trong văn hóa ấy, Ngọc đại diện cho nét đẹp truyền thống và đạo đức. Với đặc điểm Ngọc có kết cấu đơn giản, không phô trường cầu kỳ mà tinh tế nên người Trung Quốc lấy Ngọc làm vẻ đẹp cho sự tao nhã, cao thượng, thành thật, thể hiện ước mơ tốt đẹp, tình yêu và hòa bình…
- Như màu xanh của Ngọc thể hiện một sức sống của tuổi trẻ, Ngọc Trắng thể hiện một tâm hồn trong trắng không tỳ vết. Vẻ tâm hồn của Ngọc được ngươi ta nhân cách hóa cho những đức hạnh, lòng nhân ái, trí tuệ, chính nghĩa, sự khiêm tốn và sự chân thành của người chính nhân quân tử.
4. Tìm hiểu sâu hơn một chút về Cổ Ngọc ở Trung Quốc
Vàng thời có giá mà Ngọc thời vô giá. Vàng có thể định giá, có thể mua được. Còn Ngọc thì không !
Đối với người Trung Quốc, giá trị của Ngọc cao hơn vàng. Ngày nay, ngọc đã trở thành một trong những vật liệu phổ biến nhất trên thế giới, được đánh giá cao ở cả phương Đông và phương Tây. Chính vì điều đó, khiến Ngọc ngày càng trở nên khan hiếm và giá càng đắt đỏ khi hầu hết các mỏ ngọc đã bị quá tải và các nguồn cung đang được khai thác cạn kiệt. Có một điều mà nhiều người chơi Ngọc ở Việt Nam không biết rằng Ngọc – Cổ Ngọc – Ngọc trong truyền thống TQ là chính là Ngọc Bích Nephrite Jade chứ không phải là Ngọc Jadeite (Cẩm Thạch). Mãi tới thế kỷ 18, Ngọc Cẩm Thạch Jadeite Miến Điện mới bắt đầu được người TQ để ý đến.
Người dân Trung Quốc rất tự hào vì họ có mỏ khai thác Ngọc rất lớn ở Hòa Điền (Hotan, Hetian) – Tân Cương (Xinjiang) – Trung Quốc. Tại đây, Ngọc được khai thác tại dãy núi Côn Lôn của Tân Cương – khu tự trị ở phía Tây Trung Quốc giáp với Mông Cổ và Nga. Và mỏ Ngọc đấy chính là Ngọc Nephrite Jade mà từ nơi đây, cái tên Ngọc Hòa Điền hay Hotan Jade, Hetian Jade nổi tiếng khắp thế giới. Ngọc Jadeite ở Trung Quốc cũng có nhưng không có Jadeite đạt chất lượng tốt. Trong số nhiều loại Ngọc khác nhau ở Trung Quốc, Ngọc Bích Hòa Điền được coi là một trong những loại Ngọc giá trị nhất.
a. Một số hình ảnh Cổ Ngọc Hòa Điền
b. Khai thác Ngọc Bích Trắng ở Hetian – Tân Cương (ngày nay)
c. Một số tác phẩm Ngọc Bích Trắng ngày nay (Ngọc Bích Hòa Điền)
Thật không may, ngọc bích chất lượng cao từ Hòa Điền ngày nay rất hiếm và hầu như không còn được thấy. Trong nhiều thập kỷ qua, việc khai thác quá mức Ngọc ở Hotan và các khu vực lân cận của Trung Quốc đã làm giảm sản lượng lớn, với nhiều mỏ đang phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt.
5. Phong Thủy và Ngọc trong Phong Thủy
Có một điểm chung giữa Phong Thủy và Ngọc ở TQ (Văn hóa Á Đông) đó là: đều chỉ giành cho Vua Chúa hoặc bậc Đại Quý Tộc. Vì tầng lớp này muốn cất giữ những thứ tốt nhất cho riêng mình, sợ mang phát tán ra ngoài, sẽ có kẻ thành công, giàu có hơn mình… Trong Phong Thủy, theo kiến thức của tôi, thì có 2 sự kiện mà để nó được đưa ra với đại chúng một cách rõ nét và gần gũi nhất:
- Một là nạn Hoàng Sào vào đời Đường, Tổ Sư Dương Quân Tùng (lúc đó là Quan chuyên việc Phong Thủy – Địa Lý của Hoàng Cung) mang 2 cuốn bí kíp là: “Càn Khôn Quốc Bảo” của Khâu Đình Hàn và quyển “Ngọc Hàn Kinh” của Cửu Thiên Huyền Nữ trốn ra ngoài. Sau khi đánh cắp 2 quyển sách này, ông quay về quê hương của mình ở vùng Giang Tây để vừa giảng dạy, nghiên cứu Phong Thủy và dùng Phong Thủy để giúp người nghèo khổ nên được gọi là Dương Cứu Bần (cứu người nghèo). Sau khi tan giặc giã, nhà vua quay lại triều đình thì phát hiện mất 2 quyển sách quý nên lập tức phái quân đội truy tìm mọi cách để bắt cho bằng được Dương Quân Tùng về chịu tội và thu hồi của báu hoàng gia. Dương Quân Tùng viết đến khoảng gần 20 tác phẩm để lại cho đời (một số tác phẩm như: Hám Long Kinh, Nghi Long Kinh, Đô Thiên Bảo Chiếu Kinh, Thanh Nang Áo Ngữ, Thiên Ngọc Kinh, Thập Nhị Trượng Pháp, Kim Hàm Kinh, Kim Cương Toản Bổn Hình Táng Đồ Quyết, Lập Chùy Phú, Hắc Nang Kinh….). Dân gian thường gọi ông là Dương Cứu Bần, còn những người trong giới Phong Thủy chính tông, đều tôn ông làm Tổ Sư.
- Hai là đến đời nhà Thanh, Vua Càn Long cho tập hợp Viện Đại Học Sỹ đứng đầu là Kỷ Hiểu Lam (bạn nào xem phim chắc nhớ nhân vật này) và Lục Tích Hùng cùng 361 học giả biên soạn Bộ Tứ Khố Toàn Thư trong khoảng thời gian từ 1773 đến 1782. Với 4 phần lớn là Kinh (經), Sử (史), Tử (子), Tập (集), Tứ khố toàn thư đã tập hợp trên 10.000 bản thảo từ các bộ sưu tập của những triều đại phong kiến Trung Quốc (kể cả 3.000 bản thảo bị đốt vì nghi có tư tưởng chống Thanh) thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, lịch sử, triết học và văn học nghệ thuật. Tổng cộng bộ sách này có 79.000 phần nằm trong 36.381 quyển, 2,3 triệu trang sách và khoảng 800 triệu chữ. Đối với những người nghiên cứu Học Thuật, Tứ Khố Toàn Thư luôn là một kho kiến thức có giá trị. Tổng hợp toàn bộ kiến thức Huyền Học chính thống cũng như không chính thống trong dân gian – trong các môn phái, loại bỏ những điều mê tín, chắt lọc kiến thức tinh hoa mà biên soạn thành.
Còn Ngọc – theo sự phát triển của xã hội, khoảng về địa vị, giai cấp… dần được rút ngắn và xóa bỏ. Kiến thức người dân được nâng cao, điều kiện phát triển đã đưa Ngọc đến dần hơn với công chúng. Nhưng cũng chính lý do này, khiến Ngọc đang dần cạn kiệt và được làm giả nhiều hơn.
Ngọc trong Phong Thủy Âm Trạch
Ngọc được dùng trong Phong Thủy (Phong Thủy Dương Trạch : dùng cho người sống) chắc các bạn đã nghe quá nhiều, nhưng trong Âm Trạch (Phong Thủy Âm Trạch : dùng cho mồ mả, người đã chết) thì chắc hẳn có không ít người chưa biết. Nhưng đây, mới thực sự là tinh túy của bộ môn Phong Thủy (bản chất bộ môn Phong Thủy ban đầu dùng để chôn cất mộ phần, dần dần được áp dụng cho cả người sống). Trong Phong Thủy Âm Trạch có một thứ rất xa xỉ, đó là các đồ tùy táng như: Ngọc kết tinh của Đá, Gỗ Quý, Sa Kim huyết của Đá, Kỳ Nam-Trầm Hương kết tinh của Gỗ, Vàng Bạc kết tinh của Kim loại, Lụa kết tinh của côn trùng… Tất cả những đồ tùy táng này đều được chọn lựa một cách cẩn thận và có công dụng riêng của nó, nhưng tựu chung lại là dùng để “Dưỡng Cốt” của người mất. Làm cho hài cốt ngoài việc được hấp thụ Linh Khí của nơi Phong Thủy Bảo Địa ra còn được hấp thụ Linh Khí từ các đồ tùy táng. Linh Khí này, về mặt trực tiếp sẽ làm cho hài cốt được sạch sẽ, lâu phân hủy, tỏa hương, tỏa khí… hay có các hiện tường kỳ lạ mà dân gian gọi là “kết” hay “mộ kết” thì còn về mặt dán tiếp sẽ tác động đến con cháu, gia đình, họ hàng của người mất đó. Làm cho con cháu, họ hàng được khỏe mạnh, phát triển… Trong quá trình dán tiếp này, bộ hài cốt có vai trò như là vật trung gian để chuyển tiếp Linh Khí từ Âm -> Dương theo dạng Năng Lượng – Sóng có cùng (hoặc bội) về Tần Số. Lịch sử Trung Quốc có ghi lại Năm 1928, quân phiệt Tôn Điện Anh đã từng hạ lệnh cho đám quân lính tiến hành đào bới lăng tẩm của Từ Hy và Dụ Lăng của Càn Long. Khi đào lên có tổng cộng 06 chiếc quan tài gồm của Càn Long, 02 vị Hoàng Hậu và 03 Hoàng Phi trong đó chiêc quan tài của Hoàng Quý Phi (sau được truy phong là Hiếu Nghi Hoàng Hậu) mẹ đẻ của Hoàng Đế Gia Khánh mất năm 49 tuổi, được chôn cất ở Dụ Lăng. Điều làm mọi người kinh ngạc đó là khi mở chiêc quan tài ấy, Hoàng Quý Phi vẫn như còn sống, da dẻ hồng hào sau 153 năm. Lí giải tại sao? Vì trong miệng hoàng quý phi có ngậm 1 Viên Ngọc rất quý. Khi Tôn Điện Anh lấy viên Ngọc ây ra khỏi miệng Hoàng Quý Phi, thi thể băt đầu có hiên tương phân hủy da dần dần chuyên màu…
Mời các bạn xem thêm Video về một vụ trộm mộ dưới đây (khuyến cáo, có hình ảnh 16+)
Bài viết có sử dụng nhiều tư liệu lịch sử và tài liệu từ các đồng nghiệp.
© Vua Ngọc Bích bảo lưu mọi bản quyền cho bài viết này. Mọi sự sao chép đều phải được dẫn nguồn hoặc đồng ý bằng văn bản.
Bài viết được chia sẻ bởi Khánh Hồ – Fengshui Consultant !
Cố vấn chuyên môn Hồn Đá Việt – Vua Ngọc Bích.
Jade Kokoro, Ngoc Jade Nguyen bích ngọc, bích ngân à
Jade Kokoro, Ngoc Jade Nguyen bích ngọc, bích ngân à
Jade Kokoro, Ngoc Jade Nguyen bích ngọc, bích ngân à